Trang chủ / TIN TỨC MỚI / DINH DƯỠNG CHO TRẺ DƯỚI 1 TUỔI

DINH DƯỠNG CHO TRẺ DƯỚI 1 TUỔI


Dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi
Sức khỏe, bệnh tật của trẻ có thể phòng và cải thiện được nếu các bậc phụ huynh biết cách chăm sóc và nuôi dưõng trẻ.
KATUN KIDS
Dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi có ý nghĩa quan trọng tới sức khỏe và cả quá trình phát triển của trẻ trong năm đầu. Nếu trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ, hợp lý sẽ phát triển tốt, ít ốm đau bệnh tật. Các vấn đề sức khỏe, bệnh tật của trẻ có thể phòng và cải thiện được nếu các bậc phụ huynh biết cách chăm sóc và nuôi dưõng trẻ.
Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh là lớn hơn 2.500g, thường con trai lớn hơn con gái, cân nặng của trẻ tăng nhanh năm đầu: 3 tháng đầu tăng khoảng 1.000 - I.200g/tháng, 3 tháng tiếp theo tăng 500 - 600g/tháng và 6 tháng tiếp theo tăng 300 - 400g/tháng. Chiều cao của trẻ sơ sinh trung bình là 48 - 50cm, con trai cao hơn con gái. Trong năm đầu, chiều cao của trẻ tăng rất nhanh, nhất là những tháng đầu sau khi sinh. Trong 3 tháng đầu, mỗi tháng tăng lên 3 - 3,5cm, 3 tháng tiếp theo mỗi tháng tăng 2cm và 6 tháng cuối trung bình mỗi tháng tăng 1 - l,5cm. Lúc trẻ được 12 tháng, chiều cao được 75cm.
Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ trong giai đoạn này rất lớn, trẻ càng nhỏ nhu cầu càng cao. Trong năm đầu tiên trẻ phát triển rất nhanh, để đáp ứng tốc độ tăng năm đầu, nhu cầu dinh dưỡng cũng như năng lượng đều cao như: Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, khi trẻ được tròn 6 tháng tuổi thì sữa mẹ không còn đủ chất để đáp ứng nhu cầu của trẻ, đặc biệt là chất sắt, vì vậy, bổ sung thịt, cá, trứng, đậu là rất cần thiết. Khả năng hoạt động của trẻ ngày càng tăng, như: Trẻ tập lật, trườn, bò, ngồi, đi, đứng, chạy nhảy... do đó, trẻ cần nhu cầu năng lượng cao nên chúng ta cần cung cấp chất tinh bột và chất béo để cho trẻ hoạt động. Theo thời gian sữa mẹ giảm dần về số lượng.
Cho trẻ ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng, đúng phương pháp, thức ăn dặm cần phải phong phú, đầy đủ dinh dưỡng, dễ kiếm, rẻ tiền và thường dùng trong các gia đình. Thức ăn dặm gồm: Thức ăn hỗn hợp cơ bản với hai thành phần gạo, khoai và đạm từ thực vật và động vật (đậu, thịt, cá,..); thức ăn hỗn hợp phong phú với hai thành phần trên cùng với rau quả và mỡ, dầu, đường.
Bắt đầu cho ăn từ ít đến nhiều, hỗn hợp cơ bản trong vòng 2 tuần, sau đó cho ăn hỗn hợp phong phú. Đảm bảo có đủ 4 nhóm thức ăn là chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng:
- Chất bột: Lấy 4 muỗng bột đặc thêm 200 ml nước; sau đó thêm thịt hoặc trứng, cá, đậu; thêm rau củ (xay nhuyễn hỗn hợp) và cho 1mg dầu ăn vào. Trẻ từ 1 tuổi trở lên cho ăn cháo đặc, bún, mì, phở,...
- Chất đạm động vật có trong thịt, cá, trứng, sữa... và đạm thực vật gồm các loại đậu, đậu nành, mè,... Tất cả phải xay nhuyễn khi cho trẻ ăn.
- Chất béo bao gồm dầu thực vật, mỡ động vật,... mỗi chén bột, cháo, cơm cho 1 muỗng nhỏ dầu thực vật hay mỡ động vật.
- Vitamin và chất khoáng gồm rau, củ và trái cây. Khi cho trẻ ăn nên thái nhỏ, xay nhuyễn hay ép lấy nước,...
Các thức ăn của trẻ cần được chế biến sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh tránh các rối loạn tiêu hóa; rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn. Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, sau đó đặc dần. Không nên ép trẻ ăn, cần phải kiên nhẫn, cho trẻ ăn bằng muỗng và chén, cho ăn dặm sau khi bú mẹ để trẻ bú mạnh. Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi.
Trẻ dưới 1 tuổi khả năng tiêu hóa, hấp thu của trẻ chưa hoàn thiện; khả năng miễn dịch của trẻ còn hạn chế nên những thiếu sót trong nuôi dưỡng, chăm sóc, vệ sinh trẻ đều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng ở trẻ. Việc phòng ngừa và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh phải đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Khi thấy trẻ không tăng cân hoặc có các dấu hiệu bất thường thì đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.